Đạo Mẫu Công Đồng Tam Tứ Phủ
Chia sẻ những kiến thức về đạo mẫu công đồng tam tứ phủ Việt Nam

Nhân quả là gì?

Theo quan điểm của đạo phật, nhân là nguyên nhân, quả là kết quả. Trong thế giới tương quan duyên sinh, mỗi sự vật, hiện tượng sinh ra đều có những nguyên nhân của nó. Nguyên nhân của một sự thể (pháp) gọi là nhân, và hiện hữu (pháp) của sự thể đang tồn tại là quả. Trong mối tương quan nhân quả này, mỗi hiện hữu vừa là nguyên nhân vừa là kết quả như sự tuần hoàn của mây, mưa, nước, hơi nước,…. Nguyên nhân chính (trực tiếp) của một hiện hữu gọi là nhân, nguyên nhân phụ (gián tiếp) có ảnh hưởng đến quả gọi là duyên. Do đó, nếu nói một cách đầy đủ sẽ là NhânDuyênQuả

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Trong giáo thuyết nhân quả, một nhân không thể đưa đến một quả, hay một quả không thể chỉ có một nhân. Và nhân quả thường là đồng loại. Ví dụ: Trứng gà chỉ nở ra con gà, chứ không thể có trường hợp trứng gà nở ra con vịt. Như thế là không có sự lẫn lộn trong đồng loại.

Nhân quả tuy cùng một giống (đồng loại), nhưng do các duyên trung gian xen vào, cho nên có thể quả cùng loại với nhân nhưng vẫn khác với nhân. Ví dụ: một nắm muối nếu bỏ vào tô canh thì mặn, nhưng nếu bỏ vào hồ nước mênh mông thì không mặn. Sự khác biệt này tùy thuộc vào các duyên (thuận hay nghịch) và theo đó mà quả hình thành. Nhân quả – nghiệp báo là sự hiện hữu của các mối tương quan thiện-ác, chánh-tà v.v…, nó thuộc pháp hữu vi sanh diệt vốn là hiện thân của ý niệm phân biệt. Do đó, với tâm thanh tịnh và xả ly thì vấn đề nhân quả – nghiệp báo không còn được bàn đến.

Phân loại nhân quả

  1. Phân loại theo thời gian: Có 2 loại nhân quả theo thời gian là nhân quả đồng thờinhân quả khác thời.
    • Nhân quả đồng thời là loại nhân quả mà từ nhân đi đến quả rất nhanh, như theo dân gian gọi là quả báo hiện tiền hay quả báo nhãn tiền.
    • Nhân quả khác thời là loại nhân quả mà thời gian đi đến quả có một khoảng thời gian. Và khoảng thời gian đó được chia làm 3 loại như sau: Hiện báo, sinh báohậu báo. Ba thời nhân quả này vì có một thời gian tương đối ổn định (có khoảng cách), do đó chúng được xếp vào loại định nghiệp. Cũng có trường hợp do các nhân duyên trung gian can thiệp mạnh vào làm cho nghiệp quả trở nên khó xác định về thời gian và chủng loại. Trong trường hợp này, chúng được gọi là bất định nghiệp. Ba thời nhân quả, đồng thời cũng là câu trả lời tại sao (một số trường hợp) có người làm lành trong đời này lại gặp những điều bất hạnh, và ngược lại, người làm việc ác lại gặp may mắn.
      • Hiện báo nghĩa là nghiệp nhân trong đời này đưa đến quả báo ngay trong đời này.
      • Sinh báo nghĩa là tạo nhân trong đời này nhưng đến đời sau mới thọ quả báo.
      • Hậu báo nghĩa là tạo nhân trong đời này nhưng đến các đời sau mới thọ quả báo.
  2. Phân loại theo vật lý và tâm lý: Cách phân loại này nhằm chỉ đến sự biểu hiện của nghiệp quả thông qua thái độ tâm lý tiếp thọ nghiệp, đồng thời nói lên những khoảng cách khác nhau của nghiệp quả giữa tâm lý và vật lý, giữa nội tâm và ngoại cảnh.
    • Nội tâm và ngoại giới: Nhân quả biểu hiện ở trong tâm lý của con người được gọi là nhân quả nội tâm (nội giới) và ngược lại là ngoại cảnh (ngoại giới).
    • Tâm lý và vật lý: Sự biểu hiện khác nhau của nhân quả trên cùng một con người được chia thành hai phần: tâm lý và vật lý. Như một người có thân thể (thể chất vật lý) xấu xí, khó nhìn, nhưng tâm thì thông minh và sáng suốt, hiền từ, độ lượng và tu tập tốt.
Nhân quả

Có thể nói rằng, nhân quả là giáo lý gắn liền với đời sống tu tập của hàng Phật tử, gắn liền với các vấn đề luân lý đạo đức của con người và nhân quả đã nghiêm túc đặt ra vấn đề trách nhiệm của con người đối với chính tự thân cũng như xã hội. Nhân quả – nghiệp báo là pháp duyên sinh, do đó không có lý do gì mà nó thường trụ vĩnh hằng. Vấn đề là nỗ lực tận dụng năng lực của trí tuệ soi sáng bóng mờ của tự ngã để đi vào chân trời thực tại như thực; đó chính là hình ảnh của bậc A La Hán đã chấm dứt dòng sinh tử luân hồi ngay trên mảnh đất trần thế này.

Và đối với người Phật tử, cần phải hiểu rõ nhân quả, xây dựng niềm tin trên cơ sở của nhân quả, để từ đó kiến tạo cho mình một đời sống thanh bình, an lạc. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy rằng: 

“Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ tạo tác, đối với ý nhiễm ô, nói năng hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe (đi) theo chân vật kéo,…. Đối với ý thanh tịnh, an lạc bước theo sau, như bóng không rời hình”

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam Mô Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát

Nguyện đem công đức này.

Hướng về khắp tất cả.

Đệ tử và chúng sanh.

Đều trọn thành phật đạo.

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *